Trong căn nhà cấp 4 ở Thành phố Hồ Chí Minh với những đồ đạc đơn sơ, giản dị, phần còn lại của không gian dành riêng cho toàn bộ các bài báo được đóng thành những quyển sách mà hai vợ chồng nhà báo – nhà giáo Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương kỳ công sưu tầm từ lúc còn trẻ cho đến tận bây giờ.
Nhà báo Trần Thanh Phương, sinh năm 1940 ở Cà Mau. Năm 15 tuổi, ông tập kết ra Bắc. Tốt nghiệp đại học, ông được phân công về ban Miền Nam của báo Nhân Dân.
Vì xa quê hương từ thuở nhỏ nên những ký ức về nơi chôn nhau cắt rốn ông không còn lưu giữ được nhiều. Đồng thời, nhận thấy báo chí là “Một thứ biên niên sử” quý giá nên ông đã sưu tầm, góp nhặt các bài báo của các phóng viên đi trước để học tập và làm tài liệu cho bài viết của mình.
Cô gái Phan Thu Hương quê ở Nghệ An, nhỏ hơn ông 4 tuổi và học sau một lớp. Với mộng giáo viên nên cô cũng thích sưu tập sách báo để làm tài liệu cho việc giảng dạy. Từ sở thích chung đặc biệt đó, họ quen biết, cảm mến nhau mà nên duyên vợ chồng. Từ đó, trong quá trình đi viết báo cũng như dạy học của hai ông bà, hay những lúc rảnh rỗi, với cây kéo, hai người cùng đọc, cắt, dán để rồi đến bây giờ các tài liệu sưu tầm đã trở thành một gia tài tinh thần quý hiếm.

Trong quá trình viết báo cũng như dạy học cũng như những lúc rảnh rỗi, với cây kéo, hai ông bà cùng đọc, cắt, dán những bài viết hay, những sự kiện lớn để lưu trữ.

Hàng ngày ông Trần Thanh Phương đến các sạp báo tìm mua những tờ báo để đọc và sưu tầm.

Quyển sưu tập có kích thước 80x120cm, dày 970 trang, nặng 87kg, lưu trữ các bài báo của các tờ báo được xuất bản trong nước, sắp xếp theo trình tự thời gian, sự kiện cụ thể.

Bằng xác lập kỷ lục ông bà Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương “Người sưu tầm chân dung và bút tích các nhà văn Việt Nam nhiều nhất”.