Ai đã một lần đến với cơ sở làm tranh cát nghệ thuật Phi Long ở hẻm 444 đường Thủ Khoa Huân, phường Thanh Hải, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sẽ không khỏi ngạc nhiên trước một thế giới đầy mê hoặc của những bức tranh cát với nhiều chủ đề như thiên nhiên, muông thú, chân dung, danh lam thắng cảnh… Thậm chí có những tác phẩm rất nhỏ, chỉ từ 5-10mm, nhưng hai mặt của tác phẩm là hai bức tranh với hai chủ đề khác nhau. Tất cả những tác phẩm đặc biệt ấy là thành quả đáng kính trọng của những người nghệ sĩ tật nguyền ở cơ sở tranh cát nghệ thuật Phi Long, mà đứng đầu là nghệ nhân Đỗ Đặng Phi Long.
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng lên 1 tuổi (năm 1989), Phi Long đã bị viêm phổi nặng và di chứng để lại là không nói và không nghe được. Phi Long được gia đình cho theo học nội trú ở Trường khuyết tật Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé (cũ). Tại đây, anh đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Năm 2005, trong khi đi tham quan lễ hội “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, Phi Long tình cờ nhìn thấy những bức tranh cát độc đáo của họa sĩ Ý Lan (nghệ sĩ tranh cát nổi tiếng Việt Nam – PV) và anh đã bị những tác phẩm nghệ thuật độc đáo này cuốn hút. Sau đó, anh quyết định cùng mẹ tìm vào tận nhà nghệ sĩ Ý Lan ở Tp. Hồ Chí Minh để xin học nghề. Chỉ sau một năm, Phi Long đã trở thành một nghệ nhân tranh cát lành nghề. Trở về Phan Thiết, Phi Long bàn với mẹ mở một lớp dạy nghề miễn phí cho những thanh niên đồng cảnh ngộ đang gặp khó khăn, và cơ sở tranh cát Phi Long ra đời từ đó. Bằng năng khiếu sư phạm bẩm sinh, Phi Long đã tận tình hướng dẫn họ đến với nghệ thuật tạo hình bằng sắc màu của những hạt cát quê hương.